Tin tức

Khuyến Khích Trẻ Mầm Non Tăng Cường Vận Động Thể Chất
11 Tháng 04
Đăng bởi:  Chị Huyền

Khuyến Khích Trẻ Mầm Non Tăng Cường Vận Động Thể Chất

 

Trong những năm đầu đời của các bé, các bậc cha mẹ thường dành sự quan tâm nhiều hơn đến vấn đề dinh dưỡng của bé mà quên mất rằng các hoạt động thể chất thường ngày cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng giúp bé phát triển một cách toàn diện. Độ tuổi mầm non được xem là thời điểm vàng để tăng cường vận động, giúp bé phát triển cả về thể chất và tinh thần. Bài viết này, Dạ Hợp Education sẽ cùng các bậc phụ huynh tìm hiểu về cách khuyến khích bé tích cực vận động ở lứa tuổi mầm non.

Lợi ích của việc khuyến khích bé vận động

Hoạt động thể chất được rèn luyện thường xuyên, giáo dục phù hợp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chính bản thân bé không chỉ đơn thuần là phát triển về thể chất mà còn giúp bé phát triển cả về tinh thần và não bộ. Những giờ vận động rèn luyện vừa là hình thức vui chơi, nghỉ ngơi vừa là một phương tiện giáo dục toàn diện, thu hút trẻ hào hứng và tích cực tham gia. Đây là những giờ học gắn kết bé với bạn bè, thầy cô, giúp bé sảng khoái tinh thần, vui vẻ, trở nên hoạt bát, yêu thích trường học hơn.

Một số hoạt động thể chất phù hợp dành cho mọi lứa tuổi

Trẻ sơ sinh (0-12 tháng tuổi)

Ở lứa tuổi này, khung xương của bé vẫn chưa cứng cáp, hoạt động thể chất mới chỉ được hình thành từ những vận động nhỏ nhẹ như nâng đầu, đá chân, vươn vai,...”Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò tập đi”, khi từ 2-3 tháng trở đi bé sẽ bắt đầu tập lẫy và chuyển người sang tư thế nằm úp, vì thế cha mẹ nên tạo điều kiện cho bé có thể với tay nắm đồ chơi trong thời gian nằm sấp, tạo không gian cho bé có thể bò, lăn và chơi trên sàn nhà,.. Đối với trẻ chưa biết bò thì 30 phút là thời gian nằm sấp mỗi ngày mà các chuyên gia khuyến nghị.

Trẻ từ 1-3 tuổi

Trẻ em ở độ tuổi này đang trong thời kỳ quan trọng để phát triển khả năng đi và chạy, cha mẹ cần đảm bảo rằng trẻ được tạo nhiều cơ hội để thực hành và phát triển các kỹ năng này thông qua vận động và vui chơi. Về vấn đề này, các chuyên gia khuyến nghị rằng trẻ em nên có ít nhất 3 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày, bao gồm hoạt động thể chất có cấu trúc (do người lớn hướng dẫn) và hoạt động thể chất độc lập (trẻ tự chơi mà không cần giám sát). Một vài hoạt động mà trẻ có thể tham gia như:

  • Vượt chướng ngại vật: Cha mẹ có thể đặt các chướng ngại vật như tấm đệm, thùng giấy,… trong nhà hoặc ngoài sân, người lớn có thể ngồi xuống đất và cho trẻ bước hoặc nhảy qua hai chân, hoặc có thể dùng chính cơ thể mình để làm cầu và cho bé chui qua,...
  • Chơi trò chơi giả vờ: Trẻ em yêu động vật và cha mẹ có thể dạy trẻ bật nhảy như ếch, đi bộ như chim cánh cụt, chạy như ngựa…
  • Chơi với cát có thể rất hiệu quả trong việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động ở tay.
  • Nhảy theo nhạc hoặc vẽ cũng rất thú vị đối với trẻ em.
  • Tập thể dục rèn luyện sức bền và khả năng giữ thăng bằng, 2 tuổi có thể đá bóng, nhảy tại chỗ, 3 tuổi tập thăng bằng bằng một chân, ném bắt bóng, đạp xe ba bánh ...

Trẻ từ 3-5 tuổi

Ở thời điểm trẻ từ 3-5 tuổi, các kỹ năng chạy, nhảy, đá, ném đã trở nên rất quen thuộc với trẻ, các con sẽ tiếp tục hoàn thiện nhiều kỹ năng phức tạp hơn. Trẻ vẫn trong độ tuổi khuyến khích hoạt động ít nhất 3 giờ mỗi ngày, trong đó có ít nhất 1 giờ hoạt động tự do với các hoạt động vui chơi không cần người hướng dẫn. Cha mẹ nên có một khu vui chơi an toàn ở nhà để bé có thể thỏa thích vận động.

  • Nhảy lò cò, nhảy tiến trước/lùi sau, bắt bóng, nhào lộn,...
  • Bơi lội, vượt chướng ngại vật, các trò chơi với bóng,...
  • Trò chơi truy tìm kho báu với chiến lược giấu “kho báu” khắp nhà và cung cấp manh mối về vị trí của chúng để trẻ đi tìm vừa mang lại nhiều niềm vui vừa tạo cơ hội cho trẻ vận động một cách hiệu quả phát triển cả về thể chất và trí não.

Cách khuyến khích trẻ tích cực vận động thường xuyên

Thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện đại, nhanh chóng, trẻ rất dễ bị thu hút bởi những đồ điện tử, các trò chơi điện tử,....làm cho trẻ mất dần hứng thú với các trò chơi vận động. Do đó, cần phải có sự chung tay của nhà trường và các bậc cha mẹ trong việc khuyến khích trẻ tích cực vận động hơn.

Ngoài những giờ vận động, vui chơi tại lớp, tại trường thì ở nhà các bé cũng cần phải thường xuyên vui chơi, hoạt động hợp lý để tránh tình trạng trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại từ nhỏ. Và cha mẹ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển thể chất tại nhà.

Tuy trẻ còn nhỏ tuổi nhưng cha mẹ, thầy cô cũng có thể hướng dẫn bé làm những hoạt động nhỏ nhặt hàng ngày như đánh răng, tự xúc ăn, tự mặc quần áo hay gấp quần áo giúp bố mẹ,... Điều này không chỉ gợi lên sự thích thú, tò mò khám phá của trẻ mà còn là cách để trẻ học được cách tự lập, cách chăm sóc bản thân và giúp đỡ mọi người xung quanh.

Tập thể dục hàng ngày, với những bài tập đơn giản cũng là hoạt động mà thầy cô và cha mẹ có thể tham gia cùng bé. Có thể xen lẫn những trò chơi dân gian, những trò vận động,...tạo nên sự thích thú, giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng vận động, rèn luyện tố chất và phát triển thể lực tốt hơn.

Những hoạt động mang tính nghệ thuật như vẽ tranh, lắp ráp mô hình,... được các bé rất yêu thích. Những hoạt động này có thể giúp trẻ thỏa thích vận động và sáng tạo theo ý thích. Bên cạnh đó, khi được tham gia các hoạt động ca nhạc, nhảy múa,...sẽ giúp trẻ có một tinh thần hứng khởi, thoải mái, giúp trẻ biết cách cảm thụ âm nhạc.

Tựu chung lại, bốn “chìa khóa” giúp cha mẹ, thầy cô dễ dàng hơn trong việc khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể chất:

  • Tập trung vào niềm vui của bé, dành nhiều thời gian vào những hoạt động làm bé vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực.
  • Mang cho trẻ nhiều cơ hội vận động đa dạng với nhiều các hoạt động, trò chơi khác nhau và phải dành cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để trẻ tự do hoạt động và vui chơi.
  • Chọn hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi và kỹ năng phát triển của từng trẻ.
  • Trẻ luôn theo dõi cách mà cha mẹ, thầy cô sử dụng thời gian của mình, vậy nên cha mẹ, thầy cô hãy là tấm gương tốt trong việc hoạt động thể chất.

Trên đây là những cách khuyến khích bé vận động vừa giúp bé phát triển cả về thể chất, tinh thần lẫn trí óc. Việc được tham gia nhiều hoạt động thú vị sẽ giúp trẻ tránh được nhiều thói quen xấu hàng ngày như đam mê các trò chơi điện tử,... Đồng thời qua bài viết này các bậc cha mẹ cũng sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng của vận động với độ tuổi mầm non. Chính vì vậy hãy khuyến khích các bé vận động nhiều hơn nhé cha mẹ.

Viết bình luận của bạn: