Tin tức

Các Tuyệt Chiêu Của Mẹ Giúp Bé Phòng “Bệnh Giao Mùa”
11 Tháng 04
Đăng bởi:  Chị Huyền

Các Tuyệt Chiêu Của Mẹ Giúp Bé Phòng “Bệnh Giao Mùa”

 

Giao mùa chính là sự chuyển giao thời tiết giữa 2 mùa nóng lạnh, là thời điểm khiến các bà mẹ lo lắng nhất bởi khi thời tiết chuyển mùa, các bé do hệ thống miễn dịch cơ thể còn yếu nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.. Tại thời điểm này cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết và thường gây ra các phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hiện nay, mùa hè đang đến gần, các mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức thật tốt để cùng bé phòng “bệnh giao mùa nhé”.

 

Khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa đặc biệt là nắng nóng các bé dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, sổ mũi, cảm cúm,.... Dưới đây là một số dấu hiệu của bệnh đường hô hấp rất dễ gặp ở trẻ và cách phòng tránh

Viêm mũi dị ứng

Triệu chứng: bé hay bị ngứa mũi, hắt hơi nhiều, sổ mũi (nước mũi trong hoặc có đờm), có bé sẽ bị nghẹt mũi. Nặng hơn, bé bị khó thở, ù tai.

Biến chứng: Viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan ở bé.

Cách phòng tránh cho trẻ:

  • Mẹ nên hạn chế cho bé tiếp xúc với các vật nuôi trong nhà.
  • Thường xuyên giặt giũ chăn ga, gối cho bé và giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh nấm mốc.
  • Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc là và người lớn nên hạn chế hút thuốc tại nhà.
  • Dạy bé đánh răng 2 lần sáng và tối.
  • Giữ ấm cho bé khi trời lạnh và không để bé bị nóng quá lúc trời ấm lên
  • Mẹ nhớ nhỏ mũi, lau mũi, hút mũi thường xuyên cho bé để bé dễ thở và dễ bú hơn.

Cảm / Sốt

Mùa hè, bé rất hay bị cảm, sốt đặc biệt là sốt virut, sốt xuất huyết, sốt không rõ nguyên nhân. Thân nhiệt tăng cao cùng với việc mất nước do không được bù nước tốt sẽ dẫn đến các biến chứng như co giật, hôn mê,... ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé.

Triệu chứng thường gặp phải ở bé như: sốt, đau đầu, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, sưng họng, mệt mỏi,... làm cho bé rất hay quấy khóc. Nếu bé sốt quá cao, cần đưa đi khám ngay để tránh các biến chứng gây nguy hiểm cho đường hô hấp.

Cách phòng tránh cho trẻ:

  • Mặc quần áo thoáng mát cho bé, không ủ ấp kín cho con. Nếu con toát mồ hôi, phải lau liên tục cho ráo mồ hôi và thay quần áo cho con.
  • Cho con uống nhiều nước và ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đủ dinh dưỡng.
  • Khuyến khích bé tham gia hoạt động thể thao để tăng cường trao đổi chất

Viêm phế quản

Bé bị viêm phế quản không hoàn toàn do thay đổi thời tiết mà còn do các tác nhân xung quanh như hít phải khói thuốc, sợi bông, len, hoặc do dị ứng phấn hoa,...Viêm phế quản khiến bé gặp khó khăn khi thở, hơi thở nặng nhọc, giọng khò khè, ho và có đờm.

Cách phòng tránh cho trẻ:

  • Mẹ phải luôn giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm và không được để nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá 38,5 độ. Chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, chia thành nhiều bữa nhỏ và nấu dưới dạng lỏng để trẻ tiêu hóa tốt hơn. Đặc biệt bổ sung cho trẻ nhiều nước và rau tươi để trẻ có thể hấp thu được nhiều dưỡng chất.
  • Đối với trẻ đang điều trị viêm phế quản, người lớn nên để ý đến tình trạng đờm của trẻ, để trẻ nằm nghiêng cho dễ thở và cũng thuận lợi cho quá trình đào thải các chất nhầy trong cơ thể.

Rối loạn đường tiêu hóa

Thời tiết nóng bức, môi trường kém vệ sinh tạo điều kiện cho thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu và nếu phụ huynh không để ý, bé sẽ ăn phải những thức ăn đó khiến cho hệ tiêu hóa của bé bị ảnh hưởng.

Khi thấy bé bị tiêu chảy mẹ nhớ cho con uống nước nhiều hơn bình thường, có thể uống dung dịch Oresol, nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, cam vắt (cho một chút đường), nước dừa... để ngăn ngừa bé bị mất nước do tiêu chảy.

Mẹ cần cho bé uống chậm, từng thìa, tránh cố ép bé uống nhiều, bé sẽ sợ và bị trớ. Nếu bé bị nôn, hãy cho bé nghỉ ít phút trước khi uống tiếp.

Cho bé ăn nhiều bữa hơn ngày thường để bé có sức đề kháng, mau lành bệnh.

 

Rôm sảy và các bệnh ngoài ra

Tuyến mồ hôi và chất nhờn trong cơ chế tăng thoát nhiệt khi bé vận động nhưng lỗ chân lông bị bít lại, bụi bẩn không thoát ra ngoài dẫn đến tình trạng viêm nang lông đồng thời hình thành những túi nước nhỏ trên bề mặt da, mẩn đỏ và ngứa ngáy. Cha mẹ nên rửa thật sạch bằng xà phòng hoặc chanh để khơi thông các tuyến thoát nước trên bề mặt da cho trẻ.

Ngoài rôm sảy, mùa hè nóng ẩm trẻ còn dễ bị nấm (hắc lào, hắc lào, tạp khuẩn kẽ, trichophyton ...), viêm nang lông và cả ký sinh trùng ngoài da (ghẻ, rận ...) hay khởi phát viêm da dị ứng (chàm ...). Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý để phòng tránh các bệnh ngoài da trên cho bé.

Để trẻ có một sức khỏe tốt nhất, cha mẹ nên tăng cường phòng chống bệnh tật cho trẻ. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho cha mẹ:

- Nên cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ.

- Nếu cho bé nằm trong phòng điều hòa, cần chú ý đến nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài, nên thay đổi nhiệt độ từ từ, tránh nhiệt độ thay đổi đột ngột.

- Nếu trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa thì không nên cho trẻ đến nhà trẻ, thậm chí cách ly trẻ sẽ tránh được sự xâm nhập của các bệnh khác, vì lúc này sức đề kháng của trẻ rất yếu. Đồng thời dễ lây nhiễm cho các trẻ khác trong lớp.

- Cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, để trẻ có đủ sức đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

- Chú ý đến nhiệt độ của bé điều này rất quan trọng để kiểm tra sức khỏe của bé.

Viết bình luận của bạn: